Trăn trở của tác giả 'Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa'

12/03/2025
|
0 lượt xem
Chính Sách Giải Trí Tác Giả
Trăn trở của tác giả 'Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa'

Nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa Cao Tự Thanh tham gia buổi đối thoại về cuốn sách của ông, tại Hà Nội hôm 9/3. Cuốn sách xuất bản lần đầu năm 2020, tái bản đầu năm nay. Ông đọc và chọn lọc, đối chiếu các tài liệu liên quan Việt Nam trong hàng chục bộ sử của Trung Quốc để chuyển ngữ tiếng Việt.

Dịch giả nhận định sử sách của Trung Quốc về Việt Nam có nhiều chỗ nhầm lẫn, sai sót. Ông lấy ví dụ ở bộ Thanh Văn hiến thông khảo, đô thành Phú Xuân của vua triều Nguyễn được viết "nằm ở phía Nam sông Phú Lương (tức sông Hồng)", sai sót này không được hiệu đính sau nhiều năm.

Các tài liệu bản chữ Hán cũng chỉ tập trung vào miền Bắc Việt Nam, vào Đàng ngoài thời vua Lê, chúa Trịnh. Còn về Đàng trong, nhất là vùng Hà Tiên, ít được nhắc đến và khi đề cập cũng có nhiều chỗ nhầm lẫn.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, 70 tuổi, tại buổi giao lưu về sách tại Hà Nội. Ảnh: Tiên Long

Quá trình nghiên cứu, biên soạn gặp nhiều thách thức. Dịch giả tốn công sức để chú thích, chú giải vì hàng loạt tên riêng, tên địa danh bị chép nhầm. Các địa danh nước ta được ghi sang âm Hán cũng khiến người đọc gặp khó khăn để xác định. Ông thấy may mắn vì thời trẻ học tập và làm việc, nghiên cứu ở miền Bắc nên nắm được các địa danh Bắc bộ. Còn miền Nam là nơi sinh ra, sau này về làm việc nên dịch giả có thể nắm được gần hết địa danh để chú giải.

Tác giả đặt ra nghi vấn về những điều viết trong sử sách, như liệu Bà Triệu Thị Trinh liệu có phải được tôn xưng là Lệ Hải bà vương hay không? Theo ông, có thể danh xưng đó là từ chữ "Lợi hại Bà vương" mà quân Đông Ngô gọi bà. Hay việc bà Triệu "cưỡi đầu voi" có thể cũng bắt nguồn từ một sai lầm khác, khi các nhà chép sử xưa viết rằng Bà đóng quân ở Tượng Đầu (nghĩa là đầu voi), một địa danh có thật ở Thanh Hóa, để chống lại Lục Dận.

Ông Cao Tự Thanh cho biết đọc sử sách Trung Quốc viết về Việt Nam ban đầu là cho bản thân, sau đó nhận thấy các kiến thức hữu ích, ông dịch lại và chuyển nhà xuất bản in thành sách, hy vọng giúp ích những người có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu. "Các triều đại sau của Trung Quốc đều đánh giá, tổng kết chính sách của triều đại trước đối với nước khác, trong đó có nước ta. Đó là những tài liệu quý trong việc tổng kết lịch sử bang giao", ông nói.

Tham gia buổi đối thoại, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa là tài liệu đối với những ai yêu lịch sử. Ông bày tỏ: "Hy vọng có thêm nhiều nhà nghiên cứu độc lập như anh Cao Tự Thanh, khai thác được hết kho tài liệu chưa được dịch ở Trung Quốc, Pháp, Vatican viết vể nước ta, cung cấp cho người đọc thêm thông tin đa dạng, đa chiều các góc nhìn về Việt Nam trong lịch sử".

Dịch giả, nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh. Ảnh: Quỳnh My

Ông Cao Tự Thanh từng dịch khoảng 70 cuốn sách Trung Quốc về lịch sử, triết học, y học, văn học cổ, truyện võ hiệp. Ông còn xuất bản những công trình nghiên cứu như: Nguyễn Đình Chiểu với văn hóa Việt Nam, Nho giáo ở Gia Định, Văn học Hán Nôm ở Gia Định, Quốc triều Hương khoa lục.

Tiên Long

Tin liên quan
Tin Nổi bật